Nguyên lý truyền hình

Học nghề dễ hay khó? Học nghề nào dễ nhất ?
Học nghề nào dễ xin việc ? Làm nghề có thu nhập ra sao ? Nên đi học Trung cấp, Cao đẳng hay đi Học nghề ngắn hạn? Click để xem tư vấn.  

Học nghề ở đâu tốt nhất ? Trung tâm dạy nghề nào uy tín ? Học nghề Điện tử ở đâu tốt nhất ? Nên học nghề Điện lạnh ở đâu ? Học nghề Máy tính Laptop Điện thoại ở đâu tốt nhất ? Click xem ngay.

BẠN ĐANG HỌC TRÊN TRANG WEB HTTP://HOCNGHETRUCTUYEN.VN

 CỦA TRUNG TÂM DẠY NGHỀ CÔNG NGHỆ CAO BÁCH KHOA

- ĐỊA CHỈ DUY NHẤT : 78 PHỐ VỌNG - HÀ NỘI

 

I - Nguyên lý truyền hình Analog.

 1 - Nguyên lý thu phát truyền hình

      1.1 - Đặc điểm của mắt người.

    Trước khi xây dựng lên ngành công nghiệp truyền hình, người ta phải nghiên cứu những đặc điểm của mắt người, nghiên cứu ở các góc độ có liên quan đến kỹ thuật truyền hình chứ không đi sâu vào cấu tạo của mắt, mắt người có một số đặc điểm sau :

    a) Đặc tính phổ :
   Các bức xạ điện từ nằm trong khoảng tần số rất rộng từ vài trục KHz đến hàng triệu MHz, toàn bộ giải tần đó gọi chung là phổ điện từ, ánh sáng mắt người thấy được chỉ chiếm một miền rất nhỏ trong phổ điện từ, có tần số từ 3,9.1014  Hz đến 7,9.1014  Hz tương đương với bước sóng 760nm đến 380nm, tần số cao hơn ánh sáng là các tia cực tím , tia X, tia gama, thấp hơn tần số ánh sáng là tia hồng ngoại, sóng Radio...

Phổ điện từ và khoảng tần số ánh sáng thấy được.

  Trong khoảng ánh sáng thấy được là tập hợp của nhiều mầu sắc : Đỏ - Cam - Vàng - Lục - Lam - Tràm - Tím , và độ nhậy của mắt với các mầu sắc cũng không đều, mắt nhạy cảm nhất với mầu lục và giảm dần với các mầu xung quanh

Mắt có độ  nhạy cao nhất với mầu lục

     Với mỗi mầu sắc ( ảnh đặc trưng) đều có 3 thông số là : Sắc mầu, độ bão hoà mầu, và độ chói của mầu.
    Thí dụ khi vẽ một bức tranh , ta phác hoạ bức tranh bằng nét bút chì sẽ cho ta bức ảnh đen trắng => bức ảnh này mang thông tin về độ chói, sau đó ta dùng mầu đỏ để tô => cho ta sắc mầu đỏ , ta tô mầu thật đậm cho ta độ bão hoà mầu cao, nếu tô mầu nhạt thì độ bão hoà mầu thấp.
   Truyền hình đen trắng chỉ truyền đi thông tin về độ chói, còn truyền hình mầu thì truyền đầy đủ các thông tin của ảnh.

  b) Độ nhạy tương phản .
  Một bức ảnh có nhiều chi tiết ảnh và các chi tiết ảnh có độ chói khác nhau, độ tương phản là tỷ lệ giữa độ chói cao nhất so với độ chói thấp  nhất, tỷ lệ này càng lớn thì độ tương phản càng cao, ngoài tự nhiên thì độ chênh lệch này là khoảng 10.000 lần nhưng trong truyền hình (Ti vi) thì độ thay đổi này là khoảng trên 100 lần, trong màn hình máy tính thì độ thay đổi là 256 lần.

Ảnh có độ tương phản cao       Ảnh có độ tương phản thấp

 Mắt người có khả năng phân biệt được hai điểm sáng có độ tương phản hơn kém nhau khoảng 0,02 lần.

   c) Khả năng phân giải của mắt .
    Đó là khả năng mắt người phân biệt được hai điểm riêng biệt khi nhìn từ một góc hẹp.

Mắt người nhìn hai điểm A, B theo một góc hẹp α  

     Mắt người chỉ có khả năng phân biệt được hai điểm A, B trên khi nhìn từ một góc α > 1,5' , nếu góc α < 1,5' thì mắt người không có khả năng phân biệt được hai điểm riêng rẽ, dựa vào đặc điểm này trong truyền hình người ta chỉ phát lại các điểm ảnh rời rạc sao cho từ mắt người nhìn vào các điểm ảnh với một góc nhìn đủ nhỏ để ta không thấy được đó là hai điểm phân biệt.
     => Từ nghiên cứu trên người ta tính được trên một màn hình, người ta không cần phát lại tất cả các điểm ảnh mà người ta chỉ phát lại khoảng 600 điểm ảnh theo chiều dọc và 800 điểm ảnh theo chiều ngang, màn hình có độ phân giải càng cao thì số điểm ảnh càng lớn.

   d) Quán tính của mắt .
   Khi ta nhìn một bức ảnh, nếu bức ảnh đó vụt tắt thì hình ảnh đó vẫn tồn tại trong con ngươi khoảng 0,1 giây, đó là hiện tượng lưu ảnh trong võng mạc hay còn gọi là quán tính của mắt.
   => Lợi dụng tính chất này, nếu ta cho bức ảnh xuất hiện rời rạc khoảng  10 lần trong 1 giây thì ta có cảm nhận đó là một bức ảnh liên tục.
   => Trong truyền hình, người ta truyền đi 25 bức hình / giây, do đó hình ảnh ta cảm nhận là liên tục.
  Thí dụ dưới đây cho thấy cùng một bức ảnh nhưng có các tốc độ xuất hiện khác nhau :

 Ảnh xuất hiện 1 lần / giây                         Ảnh xuất hiện 5 lần / giây

    1.2 - Nguyên lý truyền hình.

    * Các tham số của hình ảnh .

  • Độ chói trung bình : Mỗi điểm ảnh đều có độ chói riêng để cấu thành toàn bộ ảnh, trong truyền hình đen trắng người ta truyền đi tín hiệu đặc trưng cho độ chói của mỗi điểm ảnh.

  • Mầu sắc : Mầu sắc của các phần tử ảnh, tham số này chỉ cần thiết với truyền hình mầu.

  • Hình phẳng : Truyền hình là truyền bức hình phẳng theo không gian hai chiều, truyền từng điểm ảnh lần lượt theo chiều ngang và chiều dọc, chiều ngang gọi là quét dòng, chiều dọc gọi là quét mành.

  • Ảnh động  Truyền hình là truyền đi các bức ảnh động , để mắt người cảm nhận sự chuyển động là liên tục thì cần truyền đi số bức ảnh sao cho mắt không thấy  được sự nhấp nháy của ảnh.
     -  Thí dụ bức ảnh IC ở trên có tốc độ là 5 hình / giây, ta cảm thấy hình nhấp nháy, nhưng nếu ta tăng lên tới 25 hình/ giây thì ta sẽ thấy bức ảnh là liên tục.

   * Nguyên lý truyền hình ảnh .
    Người ta không truyền toàn bộ bức hình mà truyền lần lượt từng dòng từ trên xuống dưới như ta đọc một quyển sách.
    Một bức hình được chia làm 625 dòng quét từ trên xuống dưới, sau đó truyền đi tín hiệu của từng dòng quét đến máy thu với tốc độ 15625 dòng / giây, ở máy thu để tái tạo lại được hình ảnh cũ thì cũng phải quét lại 625 dòng cho một màn ảnh và cũng phải quét với tần số 15625 dòng / giây, quá trình này gọi là đồng bộ giữa tín hiệu thu và phát.

   * Nguyên lý quét .

Nguyên lý quét ảnh.

   Bức ảnh trên minh hoạ được quét với tốc độ 10 dòng / giây và chỉ quét có 8 dòng cho một lượt từ trên xuống dưới, trong truyền hình cũng có nguyên lý quét tương tự nhưng có tốc độ quét là 15625 dòng/ giây, và quét 312,5 dòng cho một lượt từ trên xuống ( một bức hình chia làm 625 dòng và được quét làm hai lượt, một lượt quét các dòng chẵn và một lượt quét các dòng lẻ )

   1.3 - Tín hiệu truyền hình.

   * Sự tạo thành tín hiệu thị tần ( Video ) .


Camera đổi hình ảnh thành tín hiệu Video

    Để truyền hình ảnh đi xa trước tiên hình ảnh phải được đổi thành tín hiệu điện - gọi là tín hiệu Video , hình ảnh được thu vào qua ống kính và hội tụ trên một lớp phin đặc biệt, sau đó ta dùng nguyên lý quét để chuyển từ thông tin hình ảnh thành tín hiệu điện.

Dùng tia điện tử quét trên lớp phin để tạo thành tín hiệu Video

  Lớp phin là một màng kim loại đặc biệt có điện trở thay đổi theo cường độ sáng, khi có tia điện tử quét qua, các điểm sáng tối có trở kháng khác nhau tạo thành dòng điện mạnh yếu khác nhau đi qua, tín hiệu điện lấy ra từ lớp phim có dòng điện biến đổi tỷ lệ với thông tin về độ sáng của hình ảnh, tín hiệu này được đưa vào mạch điều chế để tạo thành tín hiệu Video ở ngõ ra của Camera.

   * Thành phần của tín hiệu truyền hình đầy đủ

Tín hiệu truyền hình đầy đủ bao gồm tín hiệu thị
 tần (mầu xanh), xung đồng bộ dòng (mầu đỏ),
 xung đồng bộ mành ( mầu tím)

  • Thời gian quét thuận từ t1 đến t2 là 54µs

  • Thời gian quét ngược dòng  từ t2 đến t3 là 10µs

  • Thời gian quét ngược mành từ t4 đến t5 là 25µs

  • Xung đồng bộ dòng và mành được chèn vào tín hiệu video trong thời gian tia điện tử quét ngược.

Tia quét ngược dòng mầu tím, tia quét ngược mành
 mầu xanh lơ , tia quét dòng thuận là tia mầu trắng

   Tín hiệu truyền hình đầy đủ bao gồm :

  • Tín hiệu thị tần : thu được từ nguyên lý quét ảnh như trên còn gọi là tín hiệu video ( đoạn tín hiệu từ t1 đến t2 )

  • Xung đồng bộ dòng H.Syn (Horyontal Synsep : Đồng bộ dòng): là xung chèn vào tín hiệu video trong thời gian tia điện tử quét ngược (đoạn t2 đến t3 ) xung này được giửi sang máy thu để đồng bộ tần số quét dòng.

  • Xung đồng bộ mành V.Syn (Vertical Synsep) là xung chèn vào tín hiệu Video khi quét xong một màn hình từ trên xuống dưới (đoạn t4 đến t5) xung này được gửi sang máy thu để đồng bộ tần số quét mành.

   1.4 - Điều chế tín hiệu phát ở đài truyền hình .

    Tín hiệu tiếng có giải tần từ 20Hz đến 20KHz rất hẹp so với toàn bộ dải tần của tín hiệu hình từ 0 đến 6MHz , vì vậy để bảo toàn tín hiệu tiếng khi phát chung với tín hiệu hình, người ta phải điều chế tín hiệu tiếng vào sóng mang ở tần số từ 4,5MHz đến 6,5MHz theo phương pháp điều tần thành sóng FM rồi mới trộn với tín hiệu hình tạo thành tín hiệu video tổng hợp .

Điều chế tần số tín hiệu tiếng

 Như vậy tín hiệu video tổng hợp bao gồm (Video + H.syn + V.syn + FM)
   Để phát toàn bộ tín hiệu này đi xa, ở đài phát người ta tiến hành điều chế  tín hiệu video tổng hợp trên vào tần số siêu cao tần ở dải VHF từ 48MHz đến 230MHz hoặc dải UHF từ 400MHz đến 880MHz  theo phương pháp điều biên. và chia làm nhiều kệnh, mỗi kênh chiếm một giải tần khoảng 8MHz.

Phổ tín hiệu của một kênh truyền hình.

 

Nguyên lý phát của đài truyền hình.

  Sau khi tín hiệu Video tổng hợp được điều chế vào một kênh sóng : Thí dụ kênh 9 (nằm ở phổ tín hiệu từ 199,25MHz đến 205,75MHz) ta được sóng mang , sóng mang tiếp tục được khuếch đại ở công xuất hàng chục KW rồi đưa ra Anten phát để phát thành sóng điện từ truyền đi trong không gian với vận tốc ánh sáng.

 

 

II - Máy thu hình đen trắng.

2 - Sơ đồ khối máy thu hình đen trắng.

Sơ đồ khối máy thu hình đen trắng .

    Máy thu hình đen trắng là hội tụ tất cả những kiến thức cơ bản của kỹ thuật truyền hình, hiểu máy thu hình đen trắng là cơ sở để tiếp cận với máy thu hình mầu và máy thu hình kỹ thuật số.

   Máy thu hình đen trắng bao gồm các khối chính sau :

  • Bộ kênh : Có nhiệm vụ thu tín hiệu sóng mang từ các đài phát sau đó đổi tần về tín hiệu IF, cung cấp cho mạch khuếch đại trung tần.

  • Khối trung tần : Khuếch đại tín hiệu trung tần và tách sóng thị tần để tách tín hiệu Video tổng hợp ra khỏi sóng mang , tín hiệu thu được sau tách sóng gồm có tín hiệu Video, xung H.syn, xung V.syn và tín hiệu FM.

  • Tầng khuếch đại thị tần :  Từ tín hiệu Video tổng hợp, tín hiệu video được tách ra đi vào tầng khuếch đại thị tần, tầng KĐ thị tần khuếch đại tín hiệu video lên biên độ đủ mạnh rồi đưa vào Katôt đèn hình để điều khiển dòng phát xạ, tái tạo lại hình ảnh trên màn hình.

  • Đèn hình : Chuyển đổi tín hiệu truyền hình thành hình ảnh quang học, khôi phục lại ảnh giống phía phát.

  • Khối đồng bộ : Hai xung đồng bộ được gửi sang máy thu từ phía phát có nhiệm vụ điều khiển khối quét dòng và quét mành của máy thu quét cùng tần số như bên phát để khôi phục lại hình ảnh, hai xung này được tách ra sau tách sóng thị tần và được khuếch đại qua khối đồng bộ, sau đó xung H.syn đi tới điều khiển mạch dao động dòng, xung V.syn đi tới điều khiển mạch dao động mành.

  • Khối quét dòng : Nhiệm vụ của khối quét dòng là tạo  ra các mức điện áp cao cung cấo cho đèn hình hoạt động, đồng thời cung cấp xung dòng cho cuộn lái ngang để lái tia điện tử quét theo chiều ngang.

  • Khối quét mành : Nhiệm vụ của khối quét mành là tạo ra xung mành cung cấp cho cuộn lái tia, lái tia điện tử dãn theo chiều dọc

  • Khối đường tiếng : Khuếch đại tín hiệu điều tần FM, sau đó tách sóng điều tần để lấy ra tín hiệu âm tần và khuếch đại qua tầng công xuất rối đưa ra loa.

 Mô tả sự hoạt động của đài truyền hình

 

Buổi truyền hình trực tiếp Cat Singer


3 - Bộ kênh

    2.1 - Sơ đồ khối của bộ kênh.

Sơ đồ khối của bộ kênh

  • Mạch vào : Có nhiệm vụ chọn kênh theo nguyên lý cộng hưởng sóng, tại anten có nhiều sóng mang từ các đài phát khác nhau đi tới, sóng mang nào có tần số trùng với tần số dao động của mạch vào sẽ được chọn để đi vào mạch khuếch đại.cao tần.

  • Mạch KĐ cao tần : Khuếch đại sóng mang từ đài phát sau khi được thu vào qua mạch cộng hưởng .

  • Mạch dao động : Có nhiệm vụ tạo dao động nội để đưa vào mạch trộn tần.

  • Mạch trộn tần : Có nhiệm vụ trộn tần số dao động với tín hiệu cao tần để lấy ra tần số trung tần IF

IF = F0 - RF

F0 : Là tần số dao động nội              
 RF : Là tín hiệu cao tần ( sóng mang )
IF : Là tần số trung tần, tần số IF có
dải tần cố định từ 31,5MHz đền 38MHz

   2.2 -  Mạch vào & K. Đại cao tần.

    Mạch vào thực chất là một bẫy cộng hưởng, khi ta chuyển kênh, các cuộn dây có cảm kháng khác nhau được tiếp xúc vào mạch cộng hưởng làm thay đổi tần số cộng hưởng, nếu tần số cộng hưởng trùng với tần số sóng mang thì tín hiệu sóng mang được thu vào và được khuếch đại qua tầng Q1 , đầu ra tầng KĐ cao tần Q1 có thêm một mạch cộng hưởng nữa để nâng biên độ tín hiệu lên mức cao nhất.

Bộ chuyển kênh cơ khí trong máy thu hình đen trắng.

     2.3 - Mạch dao động nội trong bộ kênh .

Mạch tạo dao động

    Mạch tạo dao động cung cấp dao động nội cho mạch đổi tần, khi ta chuyển kênh, cuộn L1 được thay thế tạo ra mạch cộng hưởng có tần số thay đổi

     2.4 - Mạch đổi tần trong bộ kênh

Mạch đổi tần

    Mạch đổi tần có tín hiệu RF và tần số dao động nội OSC cùng được đưa vào cực B của đèn đổi tần, tín hiệu trung tần IF lấy ra trên cực C có giá trị bằng hiệu hai tần số đầu vào

IF = OSC - RF

   Nếu tần số RF tăng thì tần số dao động OSC cũng tăng tương ứng để đảm bảo tần số IF luôn luôn không đổi, tần số trung tần IF chiếm một giải tần từ 31,5MHz đến 38MHz

Giải tần của tín hiệu IF

     2.5 - Hiện tượng khi hỏng bộ kênh

  Khi hỏng bộ kênh ta thấy màn hình có các biểu hiện như sau :

  Bệnh a ) Màn ảnh chỉ có nhiễu, không có hình.

Màn ảnh có nhiễu, không có hình.

    Phân tích nguyên nhân : Nhiễu bắt nguồn từ mạch khuếch đại trung tần, màn ảnh có nhiễu chứng tỏ từ mạch khuếch đại trung tần cho tới đèn hình đã hoạt động tốt, không có hình tức là không thu được tín hiệu từ đài phát => Suy ra hiện tượng  này là do hỏng bộ kênh hoặc đứt Anten.

   Hướng sửa chữa  :

  • Kiểm tra điện áp Vcc cho bộ kênh

  • Kiểm tra điện áp tự điều khuếch AGC có khoảng 6V

  • Kiểm tra Anten

  • Các yếu tố trên đã tốt thì ta thay thử bộ kênh.

  Bệnh b ) Màn ảnh  có hình nhưng rất nhiễu, tiếng rồ.

Màn ảnh có hình nhưng rất nhiễu tiếng rồ.

  Nguyên nhân của hiện tượng trên hoàn toàn tương tự như bệnh 1, nhưng mức độ hỏng nhẹ hơn, các bước kiểm tra và sửa chữa tương tự Bệnh 1


3 - Mạch khuếch đại trung tần

      3.1 - Sơ đồ mạch khuếch đại trung tần

Mạch khuếch đại trung tần sử dụng IC

  IC Khuếch đại trung tần bao gồm các mạch .

  • IF AMPLY là mạch khuếch đại tín hiệu trung tần từ bộ kênh đưa sang, sau đó cung cấp tín hiệu cho mạch tách sóng.

  • Detector Là mạch tách sóng, tách tín hiệu Video tổng hợp ra khỏi sóng mang của đài phát, biến áp T2 cộng hưởng cho mạch tách sóng.

  • Vdeo Amply Là mạch khuếch đại tín hiệu Video trước khi đưa ra ngoài

  • IF AGC (Auto Gain Control ) Là mạch tạo điện áp tự điều chỉnh độ khuếch đại cho mạch trung tần

  • RF AGC Là mạch tạo điện áp tự điều chỉnh độ khuếch đại cho mạch RF Amply của bộ kênh

  • Mạch trung gian giữa bộ kênh và tầng khuếch đại trung tần là bộ lọc giải thông, mạch này có nhiệm vụ cho tín hiệu trung tần thuộc giải 31,5MHz đến 38MHz đi qua và loại bỏ các tần số lân cận, mạch này bao gồm các linh kiện, C1,L1,C2,C3, L2, T1 tạo thành các mạch cộng hưởng để nâng cao biên độ tín hiệu trong dải sóng trung tần, tín hiệu vào được đưa vào các chân 8 và 9 của IC

  • Tín hiệu ra ở chân số 3 là tín hiệu Video tổng hợp bao gồm Tín hiệu thị tần (Video), xung H.syn, xung V.syn, tín hiệu điều tần FM.

Các thành phần trong tín hiệu Video tổng hợp

   3.2 - Biểu hiện khi hỏng trung tần.

  Trung tần là nguồn sinh ra nhiễu trên màn hình đồng thời cũng là mạch khuếch đại tín hiệu thu từ bộ kênh, vì vậy khi hỏng trung tần màn hình thường có biểu hiện không có nhiễu, không có hình, không có tiếng, chỉ còn màn ảnh sáng min .

Ti vi hỏng trung tần, chỉ còn màn sáng mịn, không có nhiễu.

    3.3 - Các bước sửa chữa mạch trung tần.

  • Xác định đúng nguyên nhân là hư hỏng mạch trung tần : dựa vào biểu hiện như ở trên , màn ảnh sáng mịn không có nhiễu, không có hình, không có tiếng.

  • Xác định vị trí của mạch trung tần trên vỉ máy : Là khu vực có các biến áp cộng hưởng trung tần bằng hộp sắt vuông có lõi ferit chỉnh được

  • Kiểm tra nguồn nuôi Vcc 12V cho IC : điện áp này đo trên tụ hoá lọc nguồn cạnh IC

  • Thay IC trung tần


 4 - Mạch khuếch đại công suất Video

      4.1 -Tần khuếch đại  thị tần (Video)

     Nhiệm vụ của mạch khuếch đại thị tần :

  •  Khuếch đại tín hiệu Video sau tách sóng lên biên độ đủ lớn  => cung cấp cho đèn hình tái tạo lại hình ảnh.
  • Tiếp nhận xung dòng và xung mành đưa về để xoá tia quét ngược
  • Thực hiện các chức năng điều chỉnh độ tương phản, độ sáng.

Tầng khuếch đại thị tần máy Samsung 359R

 Nhiệm vụ các linh kiện trong mạch :

  • C1 : Là tụ nối tầng

  • CF1 : Là thạch anh, lọc tín hiệu tiếng không cho tiếng ảnh hưởng sang đường hình

  • Đèn Q khuếch đại tín hiệu thị tần, R2 là điện trở định thiên, R3 là trở ghánh, R4 là trở ổn định nhiệt , R5 là điện trở phân áp.

  • Triết áp Contras điều chỉnh biên độ tín hiệu ra => Là triết áp chỉnh độ tương phản trên màn hình

  • Xung dòng H.P (Horyontal Pull ) đi qua R6 và D1, xung mành V.B (Vert Blanking) đi qua R7 và D2 : hai xung cùng đi qua tụ C3 vào cực E đèn KĐ thị tần làm nhiệm vụ xoá tia quét ngược

  • Tụ C4 đưa tín hiệu thị tần vào Katôt đèn hình và ngăn điện áp một chiều

  • Triết áp Bright làm thay đổi điện áp một chiều trên Katôt => Là triết áp chỉnh độ sáng màn hình

  Phân tích các hư hỏng của tầng khuếch đại thị tần :

  a) Trường hợp tầng khuếch đại thị tần không hoạt động
    Đèn KĐ thị tần không hoạt động khi

  • Mất nguồn Vcc 110V

  • Hỏng đèn KĐ thị tần

  • Đứt điện trở định thiên

  • Đứt điện trở ghánh

   Biểu hiện trên màn hình là  : Màn ảnh chỉ có màn sáng mịn , không hình, có tia quét ngược.

Biểu hiện khi hỏng tầng khuếch đại thị tần.

   Phương pháp kiểm tra tầng khuếch đại thị tần :

  • Kiểm tra nguồn Vcc cho tầng khuếch đại thị tần phải có 110V

  • Kiểm tra chế độ điện áp trên đèn Q phải có UBE @  0,6V và UCE @ 2/3 Vcc @  70V

    b) Có hình nhưng có tia quét ngược xen vào

  Có hình : Chứng tỏ tầng KĐ thị tần vẫn hoạt động bình thường
  Có tia quét ngược : Là do mất xung mành đưa về đèn KĐ thị tần để xoá tia quét ngược.=> Cần kiểm tra mạch đưa xung mành từ công xuất mành về tầng KĐ thị tần để kiểm tra


 5 -  Đèn hình đơn sắc

     5.1 - Cấu tạo và hoạt động của đèn hình

Cấu tạo và hoạt động của đèn hình

  Cấu tạo của đèn hình :

 Đèn hình là một bầu thuỷ tinh hút chân không và có các cực chính là :

  • Cực Anốt : Được cung cấp điện áp HV ( Height Vol : 10KV ) để tạo ra sức hút các tia điện tử bay về mà hình.

  • Katôt : Là cực phát xạ ra dòng tia điện tử bay về phía màn hình, để tia điện tử bật ra khỏi bề mặt Katốt thì Katốt phải được nung nóng nhờ sợi đốt, Tín hiệu thị tần được đưa vào Katốt để điều khiển dòng tia điện tử phát xạ, tái tạo lại hình ảnh trên màn hình .

  • Lưới G1 còn gọi là lưới khiển được đấu Mass, khi tắt máy G1 được cung cấp điện áp -100V để chặn lại tia điện tử còn dư  trên đèn hình, tránh hiện tượng xuất hiện đốm sáng khi tắt máy.

  • Lưới G2 gọi là lưới gia tốc : được cung cấp điện áp +110V để tăng tốc tia điện tử

  • Màn hình : Được phủ một lớp Phospho đồng nhất, khi có tia điện tử bắn vào thì lớp Phospho phát sáng, cường độ sáng tỷ lệ với cường độ dòng tia điện tử.

  • Cuộn lái tia : Nằm ngoài cổ đèn hình, gồm hai cuộn lái dòng và lái mành, có nhiệm vụ lái tia điện tử quét từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, nếu không có hai cuộn lái tia thì tia điện tử đi thẳng và phát sáng thành một điểm trên màn hình.

    Hoạt động của đèn hình : Để đèn hình hoạt động ( cho hình ảnh ) trước hết  ta cần phân cực cho đèn hình sáng lên , sau đó đưa tín hiệu thị tần vào Katốt để điều khiển dòng tia điên tử phát xạ tạo lại hình ảnh .

    Để đèn hình phát sáng thì ta cần cung cấp cho đèn hình đủ 4 điều kiện sau :

  • Có điện áp HV = 10KV cung cấp cho Anôt

  • Có điện áp 110V cung cấp cho lưới G2

  • Có điên áp 12V cung cấp cho sợi đốt

  • Katốt được thoát xuống mass

    5.2 - Hư hỏng thường gặp của đèn hình :

    Đèn hình thường hỏng ở dạng tia phát xạ bị yếu đi , làm cho độ sáng màn hình giảm hoặc mất ánh sáng.

  Kiểm tra đèn hình :
  Để kiểm tra đèn hình, người ta kiểm tra cácđiện áp phân cực cho đèn hình, nếu các điện áp này vẫn đầy đủ mà đèn hình không sáng => là đèn hình hỏng, nếu màn hình sáng yếu => là màn hình bị già.

 

Học nghề dễ hay khó ? Học nghề nào dễ nhất ?
Học nghề nào dễ xin việc ? Làm nghề có thu nhập ra sao ? Nên đi học Trung cấp, Cao đẳng hay đi Học nghề ngắn hạn? Click để xem tư vấn.
 

Học nghề ở đâu tốt nhất ? Trung tâm dạy nghề nào uy tín ? Học nghề Điện tử ở đâu tốt nhất ? Nên học nghề Điện lạnh ở đâu ? Học nghề Máy tính Laptop Điện thoại ở đâu tốt nhất ? Click xem ngay.

BẠN ĐANG HỌC TRÊN TRANG WEB HTTP://HOCNGHETRUCTUYEN.VN

 CỦA TRUNG TÂM DẠY NGHỀ CÔNG NGHỆ CAO BÁCH KHOA

- ĐỊA CHỈ DUY NHẤT : 78 PHỐ VỌNG - HÀ NỘI

 

 6 - Khối quét dòng và cao áp

     6.1 -  Nhiệm vụ của khối quét dòng

     Nhiệm vụ chính của khối quét dòng là tạo ra các mmức điện áp cao phân cực cho đèn hình hoạt động, ngoài ra khối quét dòng còn cung cấp xung dòng cho cuộn lái ngang để lái tia điện tử quét theo chiều ngang màn hình.

     6.2 - Phân tích sơ đồ khối quét dòng .

Sơ đồ khối của khối quét dòng

  • Mạch so pha : So sánh giữa hai tần số là xung H.syn từ đài phát gửi tới với xung AFC từ cao áp hồi tiếp về để tạo ra điện áp điều khiển, nếu tần số AFC bằng H.syn thì áp điều khiển không đổi => tần số quét dòng không đổi, nếu tần số AFC > tần số H.Syn thì mạch so pha tạo ra điện áp điều khiển giảm => làm tần số dao đọng dòng giảm và ngược lại.  ( AFC là viết tắt của Auto Frequency Control : Tự động điều chỉnh tần số dòng,  H.syn là viết tăt của Horyontal Synsep :  Xung đồng bộ dòng )

  • Mạch tạo dao động dòng : Tạo ra xung dòng có tần số bằng 15625Hz , tần số này được giữ cố định nhờ điện áp điều khiển từ mạch so pha, trường hợp hỏng mạch so pha hoặc mất xung H.syn hay xung AFC thì tần số dòng bi sai => sinh hiện tượng mất đồng bộ => ảnh bị đổ xiên hoặc trôi ngang.

  • Tầng kích dòng : khuếch đại xung dòng cho đủ mạnh sau đó đưa tới điều khiển đèn công xuất đóng mở

  • Tầng công xuất : Hoạt động ở chế độ ngắt mở để điều khiển biến thế cao áp hoạt động .

  • Bộ cao áp : Là biến thế hoạt động ở tần số cao 15625Hz cung cấp các mức điện áp cao cho đèn hình, như áp HV = 10.000V, áp G2 = 110V, và cung cấp xung dòng điều khiển cuộn lái ngang.

     6.3 -  Sơ đồ chi tiết  khối quét dòng máy Samsung 359R

Sơ đồ khối quét dòng máy Samsung 359R

 Phân tích sơ đồ chi tiết :

  •   R1, R2, D1, C1 là mạch so pha, mạch này so sánh xung H.syn và xung AFC ( mầu tím ) để tạo ra điện áp điều khiển đi qua R3 và R4 vào điều khiển đèn dao động Q1

  • R3, C2 là mạch lọc tích phân loại bỏ thành phần xung xoay chiều , giữ lại thành phần một chiều

  • Q1 là đèn tạo dao động, tụ C4 và cuộn L1 tạo thành mạch dao động LC, tụ C3 hồi tiếp dương, tần số dao động phụ thuộc vào các tụ C3, C4, và cuộn dây L1, núm chỉnh H.Hold chính là điều chỉnh lõi cuộn dây L1 => làm cảm kháng L1 thay đổi => làm tần sô dao động thay đổi, tần số được ổn định nhờ điện áp điều khiển từ mạch so pha đưa sang , dao động được lấy trên chân E đi qua R8 đưa sang tầng kích dòng.

  • Q2 là đèn kích dòng, khuếch đại xung dòng lên đủ mạnh sau đó ghép qua biến áp kích T1 sang điều khiển đèn công xuất Q3

  • Q3 là đèn công xuất, hoạt động ngắt mở như một công tắc điện tử => tạo ra dòng điện xoay chiều chạy qua cao áp T2, tụ C5 là tụ bù, C6 và D3 là tụ và Diode nhụt, D4 và C7 là mạch chỉnh lưu điện áp B2 =110V cung cấp cho G2, C8 và D5 tạo ra điện áp âm đưa vào G1 khi tắt máy, điện áp HV lấy trên cuộn thứ cấp khoảng 10KV điện áp này dùng vỏ đèn hình làm cực âm của tụ lọc vì vậy vỏ đèn hình phải luôn luôn được tiếp mass .

Tầng dao động dòng

    6.4 -  Hư hỏng thường gặp của khối quét dòng.

   a) Máy có vào điện nhưng không lên màn sáng .

Máy có vào điện nhưng không lên màn sáng

  Nguyên nhân : Có hai nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là

  • Hỏng khối quét dòng => cao áp không hoạt động

  • Hỏng đèn hình.

  Kiểm tra :

  •  Kiểm tra điện áp B2 ( đo áp B2 trên tụ C7 bằng 110V ) để xác định xem cao áp có hoạt động hay không ? nếu áp B2 = 0V là cao áp không hoạt động .

  • Kiểm tra điện áp cung cấp cho các tầng công xuất, tầng kích, tầng dao động xem có không ?

  • Đo chế độ điện áp UBE và UCE  trên các đèn Q1 và Q2, thông thường điện áp này có UBE @ 0,6V và UCE  @ 2/3 Vcc

   b) Mất đồng bộ dòng, hình ảnh bị đổ hình sọc dưa

Hình ảnh bị đổ hình sọc dưa do mất đồng bộ dòng

  Nguyên nhân : Hiện tượng trên là do sai tần số dòng có thể do hỏng

  • Hỏng mạch so pha

  • Mất xung đồng bộ H.syn từ mạch tách xung đồng bộ đưa sang mạch so pha

  • Mất xung AFC từ cao áp đưa về so pha

  • Chỉnh sai núm H.Hold

  Kiểm tra :

  • Chỉnh lại triết áp H.Hold ( triết áp chỉnh dao động dòng )

  • Kiểm tra các linh kiện trong mạch so pha  R1, R2, D1, C1

  • Kiểm tra mạch cung cấp xung đồng bộ H.syn

  • Kiểm tra tụ , trở dẫn xung dòng AFC về mạch so pha


 7 - Khối quét mành

     7.1 - Nhiệm vụ của khối quét mành :

  Nhiệm vụ của khối quét mành là lái tia điện tử quét theo chiều dọc, khối quét mành bao gồm :

  • Mạch tạo dao động :  Tạo ra xung mành có tần số 50Hz cung cấo cho tầng công xuất
  • Mạch tiền KĐ : Khuếch đại xung mành cho khoẻ hơn trước khi đưa vào tầng công xuất.
  • Tầng công xuất : Khuếch đại xung mành cho đủ lớn rồi đưa đến cuộn lái mành để lái tia tia điện tử dãn theo chiều dọc.
  • Xung đồng bộ : Điều khiển cho mạch dao động , dao động đúng tần số.

Sơ đồ khối - khối quét mành.

     7.2 - Sơ đồ chi tiết khối quét mành sử dụng đèn bán dẫn :

Sơ đồ chi tiết khối quét mành dùng đèn bán dẫn.

  Phân tích sơ đồ mạch :

  • Q1 là tầng dao động, hoạt động theo nguyên lý dao động nghẹt, L1 là cuộn dây tạo dao động, VR1 là triết áp điều chỉnh tần số còn gọi là triết áp V.Hold

  • VR2 là triết áp đưa xung dao động sang tầng tiền KĐại, khi chỉnh VR2 sẽ làm thay đổi biên độ dao động ra => VR2 là triết áp chỉnh chiều cao màn hình.

  • VR3 là triết áp chỉnh tuyến tính, khi chỉnh VR3 thì dạng xung thay đổi => tuyến tính mành thay đổi, tuyến tính là độ dãn đều giữa các điểm ảnh theo chiều dọc.

  • Q2 là tầng tiền khuếch đại , KĐ đảo pha tín hiệu trước khi đưa vào hai đèn công xuất.

  • Q3 và Q4 là hai đèn KĐại công xuất, mắc theo kiểu đẩy kéo

  • L2 là cuộn lái mành gằn trên cổ đèn hình

  • Mạch hồi tiếp qua C1 có tác dụng sửa méo tuyến tính .

  • Xung đồng bộ mành được đưa vào một đầu của cuộn dây L1

    7.3 - Sơ đồ khối quét mành dùng IC trong Ti vi Samsung 359R

Sơ đồ khối quét mành dùng IC trong Ti vi Samsung 359R

 Phân tích sơ đồ trên :

  • Trong IC đã được tích hợp ba mạch : Tạo dao động : V.OSC, tầng tiền KĐại V.Amply và tầng công xuất V.OUT, các linh kiện điện trở, tụ điện được đưa ra ngoài.

  • Xung đồng bộ V.SYN  đi qua mạch lọc tích phân R1, C1 sau đó đi qua tụ vào chân số 5 => đi vào mạch dao động để gim cố định tần số mành.

  • Triết áp V.HOLD ở chân 6 có tác dụng điều chỉnh thay đổi tần số mành.

  • Triết áp V.SIZE ở chân 4 có tác dụng điều chỉnh để thay đổi kích thước dọc màn hình.

  • Triết áp V.LIN từ sau cuộn lái tia có tác dụng thay đổi điện áp hồi tiếp => Làm thay đổi tuyến tính dọc màn hình, C3, C4 là các tụ hồi tiếp .

     7.4 - Các hư hỏng thường gặp của khối quét mành.

       a) Màn hình chỉ còn một vạch sáng ngang

Màn ảnh còn một vạch sáng ngang

      Nguyên nhân :

  • Mất điện áp cung cấp cho khối quét mành

  • Hỏng IC công xuất mành

  • Hỏng các linh kiện R, C xung quanh IC

       Kiểm tra :

  • Xác định đúng IC công xuất mành ( dò ngược từ zắc lái mành về )

  • Kiểm tra Vcc cho IC ( với máy đen trắng là 12V với Ti vi mầu là 24V) đo Vcc trên tụ lọc nguồn to nhất cạnh IC

  • Thay IC công xuất mành nếu các chế độ điện áp đã có đủ.

        b) Màn ảnh bị méo tuyến tính dọc, co dưới chân, dãn trên đầu :

Màn ảnh bị méo tuyến tính dọc

      Nguyên nhân :

  • Chỉnh sai triết áp V.LIN

  • Khô các tụ hoá trên mạch hồi tiếp sửa méo tuyến tính.

  • Hỏng IC

  Khắc phục :

  • Chỉnh lại triết áp V.LIN

  • Thay các tụ của mạch hồi tiếp như tụ C3, C4 ở sơ đồ trên ( Các tụ hồi tiếp là tụ hoá  thường có trị số nhỏ từ 1µF đến 22µF nằm xung quanh khu vực IC công xuất mành.)

  • Thay IC nếu các nguyên nhân trên đã được loại trừ .

   c) Hình bị trôi theo chiều dọc

Ảnh bị trôi theo chiều dọc

     Nguyên nhân :

  • Chỉnh sai triết áp V.Hold => làm sai tần số dao động  mành.

  • Mất xung đồng bộ V.SYN

      Kiểm tra :

  • Chỉnh lại triết áp V.Hold

  • Kiểm tra mạch cung cấp xung đồng bộ mành V.SYN cho mạch dao động mành.


 7 - Khối đồng bộ

    7.1 - Mạch khuếch đại và tách xung đồng bộ

   Xung đồng bộ bao gồm xung đồng bộ dòng H.SYN và xung đồng bộ mành V.SYN được gửi sang máy thu hình cùng với tín hiệu Video, hai xung đồng bộ này có nhiệm vụ điều khiển  khối quét dòng và quét mành quét đúng tần số như bên phát, điều này rất quan trọng cho việc khôi phục lại hình ảnh, nếu bên máy thu bị sai tần số quét dòng sẽ sinh mất đồng bộ dòng => hình bị đổ xiên, nếu sai tần số quét mành sẽ sinh mất đồng bộ mành => hình bị trôi theo chiều dọc.

  Sơ đồ khối của khối đồng bộ :

Sơ đồ khối của khối đồng bộ

  • Mạch tách xung đồng bộ : Tách tín hiệu đồng bộ chung ra khỏi tín hiệu Video tổng hợp .

  • Mạch khuếch đại : Khuếch đại biên độ xung đồng bộ chung

  • Mạch tích phân : Cho tín hiệu đồng bộ mành V.SYN đi qua

  • Mạch vi phân : Cho tín hiệu đồng bộ dòng H.SYN đi qua

  Sơ đồ mạch chi tiết :

Khối đồng bộ trong Ti vi Samsung 359R

  • R1, C1, R2, C2 là mạch tách xung đồng bộ, tách hai xung V.SYN và H.SYN ra khỏi tín hiệu Video tổng hợp

  • Đèn Q1 là tầng khuếch đại hai xung đồng bộ trên

  • R7, C3 và R8, C4 là hai mắt lọc tích phân , cho tần số thấp V.SYN đi qua và lọc bỏ tần số cao

  • C5, R9 là mắt lọc vi phân cho tần số cao H.SYN đi qua và ngăn tần số thấp lại .

  • Xung V.SYN sau mạch lọc tích phân đi tới mạch dao động mành

  • Xung V.SYN sau mạch vi phân đi tới mạch so pha

   7.2 - Hư hỏng của khối đồng bộ :

     a) Mất tín hiệu đồng bộ chung => màn hình vừa đổ , vừa trôi

Ảnh vừa bị đổ, vừa bị trôi

     Nguyên nhân :

  • Do khô tụ của mạch tách xung đồng bộ

  • Do hỏng tầng khuếch đại xung đồng bộ chung

     Kiểm tra :

  • Kiểm tra tụ C1 của mạch tách xung đồng bộ

  • Kiểm tra mạch khuếch đại xung đồng bộ chung Q1

 

8 - Khối nguồn nuôi

     8.1 - Khối nguồn nuôi

    Nhiệm vụ của khối cấp nguồn là cung cấp nguồn 1chiều 12V ổn định cho máy hoạt động, điện áp vào là nguồn xoay chiều 220V AC không ổn định.

Sơ đồ khối - khối nguồn nuôi

  • Biến áp có nhiệm vụ đổi điện 220V AC xuống điện áp 18V AC

  • Mạch chỉnh lưu cầu và lọc chỉnh lưu điện áp xoay chiều AC thành điện áp một chiều DC

  • Mạch ổn áp tuyến tính : có nhiệm vụ giữ cho điện áp ra cố định và bằng phẳng cung cấp cho tải tiêu thụ .

  Mạch giảm áp, chỉnh lưu và mạch lọc .

Biến áp và mạch chỉnh lưu cầu, mạch lọc

  • Biến áp nguồn : Điện áp vào  = 220V 50Hz , Điện áp ra  = 18V

  • D1, D2, D3, D4 là mạch chỉnh lưu cầu , chỉnh lưu điện AC thành DC

  • Tụ C1 : 2200µF/25V  là tụ lọc nguồn chính

Biến áp và mạch chỉnh lưu cầu, mạch lọc trong thực tế.

   Mạch ổn áp tuyến tính :

Nhiệm vụ : Mạch ổn áp tuyến tính có nhiệm vụ => Tạo ra điện áp đầu ra ổn định và bằng phẳng, không phụ thuộc vào điện áp vào , không phụ thuộc vào dòng điện tiêu thụ

  Sơ đồ tổng quát

Sơ đồ tổng quát mạch ổn áp tuyến tính

  • Điện áp vào là nguồn DC không ổn định và còn gợn xoay chiều.

  • Điện áp ra là nguồn DC ổn định và bằng phẳng

  • Mạch lấy mẫu là lấy ra một phần điện áp đầu ra,  điện áp lấy mẫu tăng giảm tỷ lệ với điện áp đầu ra .

  • Mạch tạo áp chuẩn : là tạo ra một điện áp cố định

  • Mạch dò sai : so sánh điện áp lấy mẫu với điện áp chuẩn để phát hiện sự biến đổi điện áp ở đầu ra và khuếch đại thành điện áp điều khiển quay lại điều chỉnh độ mở của đèn công xuất, nếu điện áp giảm thì áp điều khiển , ĐKhiển cho đèn công xuất dẫn mạnh, và ngược lại .

  • Đèn công xuất : khuếch đại về dòng điện và giữ cho điện áp ra cố định .

   Sơ đồ chi tiết của mạch ổn áp tuyến tính máy Samsung

Mạch ổn áp tuyến tính trong Ti vi Samsung 359R

  • Mach tạo áp lấy mẫu gồm R5, VR1, R6 , điện áp lấy mẫu được đưa vào cực B đèn Q2 .

  • Mạch tạo áp chuẩn gồm Dz và R4, điện áp chuẩn đưa vào cực E đèn Q2

  • Q2 là đèn dò sai , so sánh hai điện áp lấy mẫu và điện áp chuẩn để tạo ra điện áp điều khiển đưa qua R3 điều khiển độ hoạt động của đèn công xuất Q1

  • Q1 là đèn công xuất

  • R1 là điện trở phân dòng

  • Tụ 2200µF là tụ lọc nguồn chính .

   Nguyên tắc ổn áp như sau : Giả sử khi điện áp vào tăng hoặc dòng tiêu thụ giảm => Điện áp ra tăng lên => điện áp chuẩn tăng nhiều hơn điện áp lấy mẫu => làm cho điện áp UBE đèn Q2 giảm => đèn Q2 dẫn giảm => dòng qua R3 giảm => đèn Q1 dẫn giảm ( vì dòng qua R3 là dòng định thiên cho đèn Q1 ) => kết quả là điện áp ra giảm xuống, vòng điều chỉnh này diễn ra trong thời gian rất nhanh so với thời gian biến thiên của điện áp, vì vậy điện áp ra có đặc tuyến gần như bằng phẳng.
      Trường hợp điện áp ra giảm thì mạch điều chỉnh theo chiều hướng ngược lại.

   8.2 - Hư hỏng thường gặp của khối cấp nguồn

    a) Không có điện vào máy, không có tiếng, không có màn sáng.

Máy không màn sáng, không hình, không vào điện

      Nguyên nhân :

  • Cháy biến áp nguồn, hoặc đứt cầu chì.

  • Cháy các Diode của mạch chỉnh lưu

      Kiểm tra :

  • Kiểm tra biến áp nguồn : Để đồng hồ thanh x1W  và đo vào hai đầu phích cắm điện AC, nếu kim đồng hồ không lên => là biến áp nguồn bị cháy, nếu kim lên vài chục ohm là biến áp bình thường.

  • Đo kiểm tra trên các Diode chỉnh lưu cầu

  • Cuối cùng ta cấp điện và đo trên hai đầu tụ lọc nguồn chính phải có 18V DC

   b) Hình ảnh bị uốn éo, có tiếng ù ở loa .

Hình ảnh bị uốn éo

      Nguyên nhân :

      Bản chất của hiện tượng trên là do điện áp cung cấp cho máy đã  bị nhiễm xoay chiều 50Hz vì vậy nguyên nhân là :

  • Hỏng tụ lọc nguồn chính 2200µF/25V

  • Hỏng một trong số các Diode chỉnh lưu cầu

  • Hỏng mạch ổn áp tuyến tính

      Kiểm tra :

  • Kiểm tra cầu Diode, nếu cầu Diode bình thường thì đo sụt áp trên 4 Diode phải bằng nhau, nếu điện áp này lệch là có 1 hoặc 2 trong số 4 Diode bị hỏng

  • Đo điện áp DC trên tụ lọc nguồn chính phải có 18V DC, nếu điện áp này giảm < 18V là tụ lọc nguồn bị khô .

  • Kiểm tra điện áp DC ở đầu ra của nguồn ổn áp tuyến tính có khoảng 11V => 12V, và điều chỉnh biến trở nguồn (VR1) điện áp đầu ra phải thay đổi, nếu điện áp ra quá cao khoảng 15V hoăc quá thấp khoảng 7V và điều chỉnh biến trở VR1 không tác dụng là hỏng mạch ổn áp tuyến tính.


 9 - Khối đường tiếng

       9.1 - Sơ đồ khối đường tiếng

Sơ đồ khối đường tiếng

   Tín hiệu điều tần FM đi cùng tín hiệu Video tổng hợp được tách qua tụ giấy => đi qua mạch cộng hưởng đầu vào đi vào tầng khuếch đại trung tần tiếng => sau khi KĐ lên biên độ đủ lớn tín hiệu đưa sang mạch tách sóng điều tần để lấy ra tín hiệu âm tần => sau đó tín hiệu âm tần được khuếch đại qua mạch công xuất rồi đưa ra loa để phát lại âm thanh.

    9.2 - Mạch trung tần tiếng dùng Transistor

Mạch trung tần tiếng dùng Transistor

  • T301 là biến áp trung tần cộng hưởng đầu vào , cộng hưởng ở tần số 6,5MHz

  • Q1 là đèn khuếch đại trung tần

  • T302 là biến áp trung tần tách sóng, sau biến áp T302 là mạch tách sóng điều tần

  • Đèn Q2 là mạch khuếch đại tín hiệu âm tần .

    9.3 - Khối đường tiếng dùng IC

Khối đường tiếng trong Tivi Samsung 359R

  • CF1 là thạch anh cộng hưởng đầu vào, cộng hưởng ở tần số 6,5MHz

  • IF Amply là tầng KĐ trung tần tiếng

  • FM DET là mạch tách sóng điều tần

  • CF2 là thạch anh cộng hưởng đầu ra

  • Tín hiệu âm tần sau tách sóng được đưa đến triết áp Volume sau đó đưa sang tầng công xuất AUDIO OUT  khuếch đại và đưa ra loa.

    9.4 - Hiện tượng hư hỏng khối đường tiếng

   a) Máy có hình, không có tiếng.

     Nguyên nhân :

  • Hỏng loa

  • Mất điện áp Vcc cung cấp cho khối đường tiếng

  • Hỏng IC công xuất tiếng

  • Hỏng mạch trung tần tiếng

       Kiểm tra :

  • Kiểm tra loa :   Để đồng hồ ở thang x1W  đo vào hai đầu dây loa, nếu có âm thanh sột soạt ở loa là loa bình thường, nếu kim không lên và không có tiếng động là loa hỏng.

  • Đo kiểm tra Vcc cho IC công xuất

  • Thay IC  tiếng nếu các điều kiện trên đã tốt.

     b) Có tiếng rồ kèm theo tiếng nói , tiếng nói nhỏ.

      Nguyên nhân :

  • Do mạch trung tần cộng hưởng sai tần số, thạch anh cộng hưởng không đúng hệ .

      Kiểm tra :

  • Kiểm tra mạch trung tần, kiểm tra các thạch anh cộng hưởng, nếu thu các đài trong nước thì thạch anh là 6,5MHz.

 

 

 

Học nghề dễ hay khó ? Học nghề nào dễ nhất ?
Học nghề nào dễ xin việc ? Làm nghề có thu nhập ra sao ? Nên đi học Trung cấp, Cao đẳng hay đi Học nghề ngắn hạn? Click để xem tư vấn.
 

Học nghề ở đâu tốt nhất ? Trung tâm dạy nghề nào uy tín ? Học nghề Điện tử ở đâu tốt nhất ? Nên học nghề Điện lạnh ở đâu ? Học nghề Máy tính Laptop Điện thoại ở đâu tốt nhất ? Click xem ngay.

BẠN ĐANG HỌC TRÊN TRANG WEB HTTP://HOCNGHETRUCTUYEN.VN

 CỦA TRUNG TÂM DẠY NGHỀ CÔNG NGHỆ CAO BÁCH KHOA

- ĐỊA CHỈ DUY NHẤT : 78 PHỐ VỌNG - HÀ NỘI

 

Gọi điện