1 - Thông số kỹ thuật của màn hình
LCD
- Khi bạn là một nhân viên kinh doanh
hay một kỹ thuật viên sửa chữa màn hình LCD, bạn cần phải hiểu ý nghĩa của
các thông số kỹ thuật của màn hình LCD
Ví dụ:
Trên báo giá của một công ty máy tính có ghi
Màn hình LCD SAMSUNG
Thông số kỹ thuật:
- Model 800TFT
-
Loại màn hình TFT
- Kích thước màn hình 17"
-
Kích thước điểm ảnh
-
Cường độ sáng 300cd/m2 (Candela / m2 )
-
Độ tương phản 10.000:1
-
Góc nhìn ( Dọc/ Ngang) 150° / 135°
-
Thời gian đáp ứng 5ms
- Độ phân giải tối đa 1600 Pixel x 1200 Pixel
-
Hổ trợ màu 16 triệu mầu
- Các kiểu kết nối hỗ trợ :
- Công suất tiêu thụ (40W)
-
Kích thước mm (Ngang x Cao x Sâu) B44,20 cm x H36 cm x T16,20 cm
-
Trọng lượng (tịnh) 6,3 kg
Các thông số này có ý nghĩa như sau:
- Model 800TFT:
Đây là danh từ để phân biệt các dòng máy của một hãng sản xuất, dựa vào
Model và hãng sản xuất mà ta có thể hình dung được chiếc máy đó như thế
nào, giá thành bao nhiêu v v...
- Loại màn hình TFT (TFT là viết tắt của
Thin Film Transistor):
Đây là loại màn hình sử dụng công nghệ mới, trong các điểm mầu
người ta sử dụng các Transistor màng mỏng cho phép ánh sáng xuyên qua,
điều này khiến cho sự hiện diện của Transistor không gây cản trở đến sự
truyền dẫn ánh sáng, giúp cho kích thước của điểm ảnh có thể thu nhỏ và
ánh sáng của màn hình tăng lên, tăng độ sắc nét cho hình ảnh.
* Loại màn hình TFT tốt hơn loại màn hình thường.
- Kích thước màn hình (Active
Screen Size):
đơn vị là "Inch" - hay còn gọi là độ rộng (Wide)
Kích thước của màn hình bao nhiêu "inch" là được tính theo độ dài của
đường chéo, mỗi inch bằng 2,54 cm
Ví dụ màn hình 17" (17 inch) sẽ có độ dài đường chéo là 17 x
2,54 = 43,18 cm
- Với cùng một kích thước inch thì màn hình LCD thường rộng hơn màn hình
CRT do màn hình CRT phải trừ hao phần mép ở xung quanh mà tia điện tử
không quét tới
* Kích thước màn hình càng lớn thì càng cho
màn ảnh rộng nhưng độ nét lại phụ thuộc vào độ phân giải.
- Kích thước điểm ảnh (Pixel
Pitch): đơn vị là
mm
Điểm ảnh là phần tử nhỏ nhất trên màn hình, bất kể hình ảnh hay ký tự, nét
vẽ v v... được hiển thị trên màn hình đều sử dụng ít nhất một điểm ảnh, vì
vậy kích thước của điểm ảnh càng nhỏ thì ảnh càng nét, trên màn hình mầu
thì mỗi điểm ảnh được cấu tạo từ 3 điểm mầu.
Ví dụ - dấu chấm ( . ) này đã sử dụng một điểm ảnh, trong một điểm ảnh như
vậy người ta phải chế tạo 3 điểm mầu xếp cạnh nhau, vì vậy một điểm mầu có
kích thước rất nhỏ nhưng chúng lại có cấu tạo vô cùng phức tạp mà ta sẽ
tìm hiểu trong phần sau.
* Kích thước điểm ảnh càng nhỏ thì càng tốt.
- Cường độ sáng (Brightness)
đơn vị là Candela / m2, viết tắt là cd/m2
Một màn hình cho cường độ sáng cao hơn thì hình ảnh sẽ sáng hơn và bạn có
thể giảm độ sáng xuống cho vừa mắt, nhưng màn hình có cường độ sáng thấp
thì bạn không thể chỉnh cho nó sáng hơn mức tối đa mà nó cho phép, cường
độ sáng trung bình khoảng 250cd/m2
* Cường độ sáng càng cao thì càng tốt..
- Độ tương phản (Contrast
Ratio):
Thể hiện khả năng thể hiện mức độ sáng tối (trắng đen) của mỗi điểm ảnh
của LCD, lấy mức sáng làm chuẩn. Ví dụ giá trị 1000:1 sẽ có nghĩa là, khi
thể hiện giá trị cực sáng (sáng nhất có thể), điểm ảnh đó sẽ sáng gấp 1000
lần bản thân nó khi nó thể hiện giá trị cực tối (tối nhất có thể). Tuy
nhiên, mức độ ảnh hưởng của độ tương phản (hay chính xác hơn là khả năng thể hiện độ tương phản) của một LCD
đối với người dùng phụ thuộc vào mức sáng của môi trường. Ví dụ nếu để dưới ánh
sáng mặt trời thì LCD nào cũng tối om. Vì vậy bạn đừng quá quan tâm nhiều đến
con số kia. Điều quan trọng khi trọn là với ánh sáng tương tự như trong phòng
làm việc của bạn (hoặc sáng hơn một chút) thì LCD đó "thân thiện" tới mức nào
với mắt của bạn.
* Độ tương phản càng cao thì càng tốt vì nó
thể hiện độ sâu của hình ảnh.
- Thời gian đáp ứng (Response
time):
Là thời gian mà điểm ảnh cần để thay đổi giá trị sáng tối. Điều này rất
quan trọng vì nếu điểm ảnh mất quá lâu để thay đổi, bạn sẽ có thể nhìn
thấy quá trình thay đổi đó và vì thế sẽ thấy hiện tượng "bóng ma" (hình
ảnh chuyển động kéo dài có đuôi) trên màn hình. Nói chung giá trị này càng
thấp càng tốt và thấp hơn 25ms là có có thể chấp nhận được rồi, hiện nay
các màn hình đạt tiêu chuẩn thường có thời gian đáp ứng là 5ms hoặc 10ms.
* Thời gian đáp ứng càng thấp thì càng
tốt vì nó thể hiện tốc độ biến đổi hình ảnh
- Điểm chết (Dead pixel):
(Ghi chú - Điểm chết không phải là thông số kỹ thuật mà là lỗi của màn
hình)
Điểm chết không phải là một
giá trị mà nhà sản xuất sẽ cho bạn biết mà là cái bạn cần tìm. Đây là
những điểm trên màn hình đã mất khả năng thay đổi màu
sắc và chỉ thể hiện có một màu trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Để kiểm tra bạn
cho màn hình thể hiện một màu nào đó (hoặc toàn đen, hoặc toàn trắng hoặc toàn xanh v.v...),
lúc đó bạn sẽ thấy các điểm này. Lưu ý là mỗi màn hình có hàng triệu điểm
ảnh (bạn sẽ biết cụ thể là bao nhiêu triệu nếu làm phép nhân ở phần Độ phân giải) vì
thế thường nếu nó có không quá 8 điểm chết là đã chấp nhận được. Tuy nhiên mục
tiêu là không có điểm chết nào hết.
* Tốt nhất là màn hình không có điểm
chết nào (một số hãng sản xuất họ trừ cho mỗi điểm chết nếu phát hiện được
là 10% giá thành của cả màn hình)
- Góc nhìn (Viewing angle):
Khả năng thể hiện hình ảnh khi bạn nhìn vào màn hình từ các góc khác nhau. Bạn
bật mà hình nên, thể hiên một bức ảnh nào đó rồi di chuyển tới các góc khác nhau
về 2 phía của màn hình. Nếu góc nhìn càng rộng mà hình ảnh vẫn rõ, không bị lóa
hoặc biến đổi quá nhiều thì tốt.
* Góc nhìn càng lớn thì càng tốt, nếu góc
nhìn hẹp thì bạn nhìn hình ảnh ở các góc của màn hình sẽ không thật mầu do
bạn thường để mắt ở khu vực giữa màn hình.
- Độ sâu của mầu (Colour
Depth):
Độ sâu của mầu cành cao thì mầu sắc càng rực rỡ, thông thường một màn hình
sử dụng từ 24 bít mầu trở lên là có thể cho 16,7 triệu mầu.
- Mỗi điểm ảnh chỉ có 3 mầu cơ bản là R (Red), G (Green) và B (Blue) thế
nhưng nó có thể hiển thị ra hàng triệu mầu là do người ta thay đổi cường
độ sáng của các điểm mầu trên rồi pha trộn chúng vào nhau, nếu mỗi điểm
mầu sử dụng một byte hay 8 bít để lưu thông tin về ánh sáng thì nó có thể
thay đổi được 28 = 256 mức sáng.
- Một điểm ảnh có 3 điểm mầu nên cần đến 24 bít và nó có thể hiển thị được
số mầu sắc bằng tích các mức sáng của các điểm mầu tức là bằng 256 x 256 x
256 = 16.777.216 mầu ( ta thường làm tròn khoảng 16 triệu mầu)
* Độ sâu của mầu càng lớn thì càng tốt
- Độ phân giải tối đa (Max
Resolution):
Độ phân giải tối đa của màn hình
được đo bằng số lượng điểm ảnh theo chiều ngang nhân với số lượng điểm ảnh
theo chiều dọc.
Ví dụ màn hình có độ phân giải tối đa là 1360 x 768 nghĩa là chiều ngang
màn hình có 1360 điểm ảnh, chiều dọc màn hình có 768 điểm ảnh.
- Khi độ phân giải tối đa của màn hình càng cao thì kích thước điểm ảnh
càng nhỏ và hình ảnh càng nét
- Một màn hình có độ phân giải cao thì nó chạy được độ phân giải thấp hơn
nhưng màn hình có độ phân giải thấp lại không chạy được ở độ phân giải cao
hơn nó, ví dụ nếu bạn chỉnh độ phân giải trên máy tính là 1600 x 1200 mà
bạn cắm vào màn hình có độ phân giải tối đa là 1360 x 768 thì nó sẽ tịt
ngóm hoặc chuyển về chế độ chờ.
* Độ phân giải tối đa càng cao thì càng tốt,
độ phân giải càng cao thì màn hình càng dễ thích ứng với các loại Card
Video và cho hình ảnh càng sắc nét.
- Kiểu tín hiệu (Input
Signal) kiểu tín hiệu vào:
- Có hai loại kiểu tín hiệu vào là tín hiệu Analog và tín hiệu Digital
- Hiện nay các màn hình có kiểu tín hiệu vào là Analog vẫn phổ biến hơn
(vì đa số máy tính vẫn đưa ra tín hiệu này để thích ghi với các màn hình
CRT), nhưng trong tương lai khi màn hình CRT bị thay thế hoàn toàn thì rất
có thể kiểu tín hiệu Digital sẽ được phổ biến, kiểu tín hiệu Digital cho
hình ảnh đẹp hơn và sắc nét hơn.
- Hiện nay có các kiểu tín hiệu thông dụng là: RGB, DVI, HDMI trong đó
kiểu tin hiệu HDMI cho phép truyền hình ảnh Video độ phân giải cao và
chuẩn này theo nghĩa tiếng Việt là "Giao tiếp đa phương tiện cho độ phân
giải cao"
* Hiện nay thông dụng vẫn là kiểu tín hiệu Analog,
nếu bạn muốn sử dụng Monitor có kiểu tín hiệu vào là Digital thì bạn phải
thay một Card màn hình có thể đưa ra tín hiệu này.
- Tần số quét dòng (H
Scanning Frequency - KHz):
- Đây là đơn vị thể hiện số dòng quét được trong một giây, tần số quét
dòng càng cao thì số hình ảnh quét được trong một giây càng nhiều và ta
thấy hình không bị nháy, tần số này phải được đồng bộ với tần số H.SYN từ
Card video của máy tính.
* Tần số quét dòng là thông số mà nhà sản xuất phải
thiết kế sao cho phù hợp với độ phân giải, tuy nhiên tần số này đáp ứng
càng cao thì càng tốt.
- Tần số quét mành (V
Scanning Frequency - Hz):
- Đây là đơn vị thể hiện số màn hình quét được trong một giây, tần số quét
mành càng cao thì số hình ảnh được hiển thị trong một giây càng nhiều và
hình ảnh càng "phẳng lặng", tuy nhiên khi tăng tần số này mà tần số dòng
không tăng thì hình ảnh sẽ bị thưa ra do số dòng quét được trong một
khung hình bị giảm xuống, tấn số quét mành được đồng bộ với tần số V.SYN
từ Card màn hình đưa tới.
* Tần số quét mành là thông số mà nhà sản xuất phải
thiết kế sao cho phù hợp với độ phân giải, tuy nhiên tần số này đáp ứng
càng cao thì càng tốt.
- Số hình trên giây
- Là số hình ảnh được làm tươi trong một giây, theo tiêu chuẩn của truyền
hình thì số hình từ 24 hình/giây là chúng ta sẽ không thấy hình bị "nháy"
nữa, tuy nhiên ở màn hình máy tính thì số hình có thể tăng lên đến 60, 75
hoặc cao hơn, số hình trên giây càng cao thì ta nhìn thấy hình càng "phẳng
lặng" như tranh.
- Tuy nhiên vẫn có hai tiêu chuẩn về số hình trên giây: Nếu máy có nguyên
lý quét liên tục nghĩa là quét các dòng theo thứ tự là 1-2-3-4...thì với
50 hình trên giây sẽ là 50 hình thật, còn các máy có nguyên lý quét xen kẽ
là quét bức hình thứ nhất theo thứ tự 1-3-5....(các dòng lẻ) sau đó quét
bức hình tiếp theo theo thứ tự 2-4-6...(các dòng chẵn) thì nếu có tấn số
50 hình trên giây nhưng thực chất nó chỉ cho được 25 hình ảnh hoàn chỉnh,
vì vậy các máy có nguyên lý quét liên tục mà tần số 50 hình/ giây thì có
chất lượng ảnh còn đẹp hơn các máy có nguyên lý quét xen kẽ cho 100
hình/giây.
2 - So sánh các ưu điểm và nhược
điểm của màn hình LCD so với màn hình CRT
Ưu điểm:
- Màn hình LCD gọn nhẹ, không chiếm mất diện tích như màn hình CRT
- Tất cả các loại trên thị trường dù mắc hay rẻ thì đều có màn hình
phẳng
- Không quảng cáo sai lạc, nói 17" là 17", chứ không như CRT, nói 17" mà tính
cả khung bên ngoài, màn hình chỉ có 15".
- Tiết kiệm điện khoảng 50% (40 watts so với 80 watts)
- Màn ảnh không bị chớp (flicker)
- Màn ảnh không bị chói khi ánh sáng bên ngoài chiếu vào (glare)
- Hoàn toàn không phóng xạ eletro-magnetic nên không hại mắt như
màn hình CRT
- Phát nhiệt ít hơn màn hình CRT
- Hình ảnh sắc xảo hơn
- Cho màn hình rộng hơn, độ phân giải cao hơn.
- Khi thiết kế đồ hoạ chuẩn hơn không có hiện tượng méo đường biên
như màn hình CRT
Nhược điểm
- Giá thành cao hơn màn hình CRT, tuy nhiên khi công nghệ phát triển
thì giá thành sẽ giảm tương đương với sản xuất màn hình CRT.
- Mầu sắc không rực rỡ bằng màn hình CRT (nếu bạn không so sánh khập
khiễng) ví dụ màn hình LCD của IBM xịn thì mầu sắc đẹp hơn màn hình CRT
Trung quốc nhưng mầu không rực rỡ bằng màn hình CRT của IBM.
- Thời gian đáp ứng chậm hơn màn hình CRT, điều này dễ thấy khi bạn
xem các hình ảnh động.
Xu hướng phát triển
- Hiện nay đến thời điểm 2011 thì các nhược điểm của màn hình LCD đã
được khắc phục, giá thành giảm xuống, chất lượng hình ảnh, mầu sắc
tăng lên rõ rệt vì thế mà màn hình LCD đã trở lên phổ biến.
- Do có nhiều ưu điểm hơn màn hình CRT vì vậy khi mà màn hình LCD
giảm giá thành xuống tương đương với màn hình CRT thì chắc chắn màn
CRT sẽ bị đi vào dĩ vãng...
|